Như đã phân tích trong các bài viết trước, có thể thấy, cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế GTGT thay cho người bán là một giải pháp hữu hiệu được các tổ chức quốc tế lớn như OECD, IMF khuyến nghị triển khai và đã được cơ quan thuế các nước tiên tiến nghiên cứu, áp dụng, bởi cơ chế này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý thuế, hỗ trợ người bán, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

trien khai co che san tmdt ke khai nop thue thay tai viet nam

Cụ thể, việc triển khai cơ chế này sẽ giúp tăng thu ngân sách và giảm tình trạng thất thu thuế, đặc biệt là từ các giao dịch xuyên biên giới, nhờ khả năng tự động thu thuế từ các sàn TMĐT. Theo đánh giá, việc thực hiện quản lý thuế qua sàn TMĐT không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình tuân thủ nghĩa vụ thuế của người bán (nhất là với các DN nhỏ và siêu nhỏ), tạo điều kiện cho các DN có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa các DN truyền thống và nhà bán lẻ trực tuyến, đảm bảo các nhà kinh doanh trực tuyến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Sáng kiến này cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về quản lý thuế với hoạt động TMĐT thông qua trao đổi thông tin nhằm tối ưu hóa hiệu quả thu thuế và giảm thiểu chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Nhận diện thách thức

Mặc dù có nhiều ưu việt, song việc triển khai cơ chế sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay người bán tại Việt Nam có thể gặp phải một số thách thức về các khía cạnh pháp lý, kỹ thuật, nguồn lực và hành chính. Bởi, thứ nhất, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói chung và cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán nói riêng, do đó, chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn để ràng buộc trách nhiệm của sàn TMĐT. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Luật Thuế TNCN, GTGT hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm cũng như nghĩa vụ thực hiện các thủ tục về thuế để sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán. Tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 mới quy định ở mức chủ sở hữu sàn TMĐT có thể thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Tương tự, tại các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành về TMĐT như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng mới đề cập đến nghĩa vụ của sàn TMĐT trong việc thu thập, lưu trữ thông tin về người bán để cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi hoặc có biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người bán nếu có.

Thứ hai, tính phức tạp trong việc xác định và quản lý thu thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh TMĐT trên ngưỡng 100 triệu đồng. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Quy định này của Việt Nam cũng tương tự như nhiều quốc gia về các giao dịch hàng hóa qua biên giới có giá trị thấp. Các giao dịch này thường được miễn thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa, dịch vụ) do chi phí quản lý thu đôi khi còn cao hơn so với số thuế thu được. Tuy nhiên, quy định ngưỡng miễn thuế này khi áp dụng đối với cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT sẽ gây khó khăn cho sàn TMĐT cũng như cơ quan thuế trong việc xác định đúng đối tượng được miễn, tăng chi phí trong việc theo dõi, giám sát doanh thu người bán đặc biệt là đối tượng chỉ hiện diện trên các sàn TMĐT không có cơ sở kinh doanh cố định.

Thứ ba, việc triển khai cơ chế này sẽ tạo thêm gánh nặng hành chính đối với các sàn TMĐT. Theo cơ chế này, các sàn TMĐT được coi như một nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến cho người tiêu dùng cuối cùng, do đó họ phải chịu trách nhiệm thu thập thông tin, kê khai và nộp thuế với các giao dịch được thực hiện trên nền tảng của mình. Việc này đòi hỏi các sàn TMĐT phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và quy trình quản lý riêng để theo dõi giao dịch và đảm bảo tuân thủ luật thuế. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng có thể phải đối mặt với thách thức trong việc xử lý các yêu cầu hoàn thuế, bù trừ tiền thuế cho các mặt hàng bị trả lại hoặc bị hủy đơn hàng. Việc này có thể tăng đáng kể chi phí vận hành, từ đó, ảnh hưởng đến định hướng đầu tư và khả năng mở rộng, thúc đẩy hoạt động TMĐT tại Việt Nam.

Thứ tư, khả năng trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với TMĐT giữa cơ quan thuế các nước còn hạn chế. Để quản lý và kiểm soát việc tuân thủ nghĩa vụ thuế với các giao dịch xuyên biên giới, các quốc gia cần tăng cường hợp tác thông qua chia sẻ dữ liệu và quy trình quản lý chung. Tuy nhiên, việc quy định pháp lý cũng như quy trình quản lý dữ liệu của cơ quan thuế các nước có nhiều khác biệt, do đó, khả năng trao đổi dữ liệu còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thiếu quy chuẩn chung quốc tế về cách thức, tiêu chuẩn chia sẻ dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT tương tự như các hoạt động trao đổi thông tin theo yêu cầu (EOIR) hoặc trao đổi thông tin tự động (AEOI) đang được triển khai hiện nay sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các nước và làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc đảm bảo tính tuân thủ của các sàn TMĐT và tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử.

Định hướng giải pháp

Để triển khai hiệu quả cơ chế sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán tại Việt Nam, từ các tài liệu, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý thuế trên sàn TMĐT, kiến nghị một số nhóm giải pháp có thể nghiên cứu, triển khai như sau:

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý:

Như đã phân tích ở trên, hiện nay chưa có căn cứ pháp lý cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế, chính sách thuế và quản lý chuyên ngành TMĐT để quy định trách nhiệm sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định này một cách đồng bộ tại Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNCN cũng như tại các nghị định về quản lý hoạt động TMĐT.

Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của sàn TMĐT nêu trên, cần xem xét thêm một số quy định có liên quan tại các văn bản cấp dưới Luật (nghị định, thông tư) để quy định về sàn TMĐT đủ điều kiện thực hiện. Theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ, sàn TMĐT có 4 hình thức hoạt động, gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website 

cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua-bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua-bán hàng hóa và dịch vụ; mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó. Theo đó, cần phân tích rõ từng hình thức hoạt động này để đảm bảo sàn TMĐT có đủ khả năng tuân thủ nghĩa vụ thu thập thông tin về các giao dịch trên sàn, thực hiện kê khai với cơ quan thuế, khấu trừ tiền thuế từ tiền thanh toán của người mua để nộp cho cơ quan thuế.

Về đối tượng được sàn TMĐT kê khai, nộp thay: Việc quy định đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT được sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng. Đối tượng này có thể chỉ bao gồm hộ gia đình, cá nhân hay cả các DN; chỉ bao gồm các đối tượng không cư trú hay cả cư trú và không cư trú. Việc xác định đối tượng được sàn TMĐT kê khai, nộp thay sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các quy trình quản lý, hệ thống ứng dụng của cả cơ quan thuế và sàn TMĐT, do đó, cần cân nhắc, đánh giá chi tiết các phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo cơ chế này khả thi.

Về ngưỡng miễn nộp thuế: Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 thì chỉ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Trường hợp tiếp tục áp dụng mức ngưỡng này, cơ quan thuế cần có cơ chế giám sát, thường xuyên trao đổi dữ liệu doanh thu bán hàng với các sàn TMĐT và các cơ quan có liên quan để đảm bảo công tác quản lý thu hiệu lực, hiệu quả, chống thất thu, lợi dụng khai man, trốn thuế.

Về xác định trách nhiệm từng khâu của cơ chế kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT: Việc xác định rõ ràng trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của sàn TMĐT và của người bán, người mua theo từng trường hợp thanh toán có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ của các bên. Nếu người mua thực hiện thanh toán qua sàn TMĐT thì đây cũng là thời điểm phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của sàn TMĐT. Nếu người mua thanh toán trực tiếp cho người bán, thì sàn TMĐT sẽ có trách nhiệm thu phần tiền thuế từ người bán cùng với việc thu các khoản phí dịch vụ. Trong trường hợp này, OECD khuyến nghị cơ quan thuế các nước nên có các quy định về xử lý nợ thuế thích hợp để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn về việc người bán cố tình không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho sàn TMĐT.

Về giảm trừ trách nhiệm cho sàn TMĐT: Để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay người bán, các sàn TMĐT phải dựa vào thông tin được cung cấp bởi các nhà cung cấp và bên thứ ba (khách hàng, đơn vị vận chuyển). Điều này đòi hỏi các sàn TMĐT phải xây dựng được hệ thống các quy trình thu thập, xác minh thông tin và phải đầu tư nguồn lực cho việc xây dựng các hệ thống ứng dụng cũng như nguồn nhân lực vận hành. Để giảm bớt gánh nặng tuân thủ cho các sàn TMĐT, OECD khuyến nghị các nước cần có quy định giảm trừ trách nhiệm của các sàn TMĐT trong trường hợp họ đã thực hiện đầy đủ các nỗ lực hợp lý để tuân thủ quy định thuế, ví dụ như trường hợp người bán cố tình cung cấp sai thông tin định danh, thông tin giao dịch,…

Về thông quan nhanh đối với hàng hóa đã được sàn TMĐT kê khai, nộp thuế: Với TMĐT thì tốc độ giao hàng cũng là một vũ khí cạnh tranh quan trọng. Vì thế, việc quy định rõ ràng, công khai về điều kiện, thủ tục xác minh để được thông quan nhanh hàng hóa sẽ là động lực thúc đẩy cả sàn TMĐT và người bán nỗ lực hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ của mình.

Đơn giản hóa quy trình và xây dựng hệ thống ứng dụng đăng ký, kê khai, nộp thuế để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho các sàn TMĐT:

Từ tháng 3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tạo một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Giải pháp này là tiền đề cho việc xây dựng Cổng thông tin điện tử tương tự dành cho các sàn TMĐT. Qua đó, các sàn TMĐT, nhất là các sàn quốc tế có thể dễ dàng thực hiện các nghĩa vụ về thuế qua mạng internet mà không cần phải hiện diện tại Việt Nam. Việc triển khai cổng điện tử này cũng là một phương thức quan trọng để thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu giữa sàn TMĐT với cơ quan thuế, từ đó, nâng cao tính hiệu quả trong quản lý thuế và tạo điều kiện cho các sàn TMĐT cũng như người bán là các tổ chức, cá nhân nước ngoài tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng cổng thông tin điện tử, cơ quan thuế cũng cần xây dựng các ứng dụng hỗ trợ cho công tác quản lý thuế với các chức năng, như rà soát, xác minh thông tin đăng ký, kê khai của người bán và sàn TMĐT; đánh giá rủi ro và hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống gian lận về doanh thu chịu thuế, ngưỡng miễn thuế,…

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan và hợp tác trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước:

Việc phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực quản lý thuế trong cơ chế ràng buộc trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán của sàn TMĐT. Cơ quan thuế cần xây dựng những quy chế phối hợp với cơ quan hải quan trong việc thực hiện quy định về thông quan nhanh đối với các hàng hóa đã được sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay; phối hợp với các ngân hàng để xác minh doanh thu tính thuế; phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý hoạt động sàn TMĐT trong việc thúc đẩy, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của sàn và có các quy định, chế tài xử lý nếu không tuân thủ đúng.

Cơ quan thuế Việt Nam cũng cần tận dụng các cơ chế hợp tác quốc tế sẵn có như Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) với cơ quan thuế các nước để thực hiện các hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu về người bán, sàn TMĐT nước ngoài và các giao dịch của họ để có cơ sở xác minh nghĩa vụ thuế, đấu tranh, chống gian lận thuế. Với các đối tác lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… cơ quan thuế Việt Nam cần tích cực trao đổi, ký kết các thỏa thuận song phương (MOU) để tạo tiền đề hợp tác chia sẻ thông tin riêng về giao dịch điện tử phù hợp với thực tế của mỗi nước, nhằm cùng giúp đỡ nhau chống gian lận về thuế.

Có thể nói, cơ chế sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay người bán là một giải pháp hữu ích, hỗ trợ quản lý thuế minh bạch và thúc đẩy công bằng trong môi trường kinh doanh. Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, bên cạnh các giải pháp về xây dựng các quy định pháp lý và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước, ngành Thuế cũng cần xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể và phù hợp với trình độ phát triển TMĐT tại Việt Nam. Nếu thực hiện tốt, cơ chế này sẽ không chỉ giúp tăng cường thu ngân sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Nguồn: TCT Online - Tạp chí Thuế (thuenhanuoc.vn)

Giới thiệu

Công Ty TNHH Giải pháp TN-NHÂN là đơn vị cung cấp giải pháp các phần mềm: Kế toán, Bán hàng, Hoá đơn điện tử, Văn phòng điện tử, Hợp đồng điện tử, Chữ ký số….

Với hơn 15 năm kinh nghiệm triển khai phần mềm kế toán, chúng tôi hiểu rằng để doanh nghiệp ứng dụng phần mềm có hiệu quả nhất thì một phần mềm tốt là chưa đủ, cần phải có dịch vụ tư vấn triển khai đi kèm có chất lượng với đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình, nhanh chóng.

Liên hệ

Công Ty TNHH Giải pháp TN-NHÂN

Địa chỉ: 34 Ngô Đức Kế, Phường 12, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Bộ phận tư vấn: 0934 116 909

Email: giaiphaptn.nhan@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/profile.php?id=100085955143109

Zalo Message